Đối với bệnh nhân được chẩn đoán suy tim, việc tuân thủ điều trị là rất cần thiết. Ngoài ra, bệnh nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, khoa học, tập luyện và nghỉ ngơi phù hợp, thay đổi thực đơn theo chế độ ăn chuyên biệt cho bệnh suy tim.
Tóm tắt nội dung bài viết
1. Thời tiết nắng nóng là mối nguy hiểm cho người bệnh suy tim
Theo BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc – Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành, suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu, đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Đây là bệnh lý thường gặp và nguy hiểm. Tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị bệnh đúng và kịp thời sẽ làm giảm biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, các triệu chứng điển hình của suy tim là khó thở, mệt mỏi, yếu sức, hụt hơi trong sinh hoạt hàng ngày. Khi tình trạng suy tim tiến triển, người bệnh có thể bị sưng vùng mắt cá chân do bị tích nước. Phù có thể nặng hơn vào cuối ngày.
Ngoài ra người bệnh có thể gặp các triệu chứng khác như: tăng cân, tim đập nhanh, ho dai dẳng, đầy hơi chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, hay bị chóng mặt thậm chí ngất xỉu, một số người bệnh còn lo lắng, mất ngủ… Nếu có các biểu hiện trên, người bệnh cần đi khám ngay lập tức.
Các chuyên gia cho biết, thời tiết nắng nóng tác động xấu tới hầu hết các bệnh lý tim mạch. Nhiệt độ cao khiến cho nhịp tim tăng đáng kể và tim phải làm việc nhiều hơn. Trong những ngày nắng nóng gay gắt, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 40 độ C gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, nhất là với người già, trẻ nhỏ và đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch.
Với người bệnh tim mạch như suy tim, bệnh mạch vành, trong thời tiết nắng nóng, tim phải gắng sức co bóp làm việc nhiều hơn khiến cho tình trạng suy tim tăng, dễ dẫn đến thiếu máu cơ tim cục bộ gây cơn đau thắt ngực, khó thở, nặng hơn là nhồi máu cơ tim có thể gây nguy hiểm tính mạng.
2. Chế độ ăn tốt cho bệnh nhân suy tim cần lưu ý
Theo BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc, khi được chẩn đoán mắc bệnh suy tim, việc thay đổi lối sống có thể giúp bệnh nhân ngăn tình trạng bệnh nặng hơn; ngăn chặn sự phát triển một số bệnh mạn tính như đái tháo đường type 2, ung thư, đột quỵ, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Đối với người bệnh suy tim, cần thực hiện chế độ ăn theo khuyến cáo của bác sĩ. Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh suy tim cần được điều chỉnh theo từng giai đoạn của bệnh để hạn chế sự tiến triển và biến chứng của bệnh, làm giảm các triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau ngực, ho, phù…
Bệnh nhân suy tim nên ăn nhạt, giảm muối. Bệnh nhân luôn được khuyên nên giảm tối đa chất béo. Cụ thể, hạn chế các loại thịt mỡ, thịt đỏ, nên ăn thịt nạc, cá; ưu tiên các món ăn chế biến bằng cách hấp, luộc, thay vì chiên, xào, rán…
Ăn uống lành mạnh cho tim có liên quan đến việc chọn một số loại thực phẩm, chẳng hạn như trái cây và rau quả, đồng thời hạn chế những thực phẩm giàu chất béo bão hòa và đường bổ sung.
2.1 Thực phẩm người bệnh suy tim nên ăn
Những thực phẩm sau là nền tảng của một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho tim:
– Các loại rau lá xanh như rau bina, rau cải ngọt, cải xoăn, bắp cải, bông cải xanh, rau dền,… vừa cung cấp chất xơ, khoáng chất và giàu chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tim mạch.
– Các loại trái cây như táo, chuối, cam, lê, nho và mận khô,… chứa kali và magnesium rất cần cho hoạt động của tế bào cơ tim.
– Các loại ngũ cốc nguyên hạt như bột yến mạch nguyên chất, gạo lứt và bánh mì hoặc bánh ngô làm từ ngũ cốc nguyên hạt. Hàm lượng chất xơ cao trong ngũ cốc nguyên hạt giúp kiểm soát lượng đường trong máu và điều hòa huyết áp.
– Thực phẩm từ sữa không béo hoặc ít béo như sữa, phô mai hoặc sữa chua.
– Thực phẩm giàu protein có nguồn gốc động vật nên ăn với lượng vừa phải:
- Các loại cá béo có nhiều axit béo omega-3 như cá hồi, cá ngừ và cá mòi.
- Thịt nạc như thịt bò xay 95% nạc hoặc thăn lợn hoặc thịt gà bỏ da.
- Trứng gia cầm.
– Nên ăn nhiều protein từ thực vật như các loại hạt (óc chó, hạnh nhân và hạt thông, vừng, hướng dương, bí ngô hoặc hạt lanh). Các loại đậu như đậu thận, đậu lăng, đậu xanh, đậu đen, đậu gà và các sản phẩm từ đậu nành.
– Thay thế các loại mỡ động vật bằng các loại dầu thực vật. Dầu thực vật giàu chất béo không bão hòa như dầu hạt cải, dầu oliu, dầu vừng, dầu hướng dương và dầu đậu nành.
2.2 Thực phẩm người suy tim cần hạn chế
Một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho tim hạn chế natri (muối), chất béo bão hòa, đường bổ sung và rượu. BS. Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, người bệnh suy tim cần hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, natri, thịt đỏ, nước ngọt, bánh nướng, các loại thực phẩm và đồ uống có lượng lớn đường tinh luyện.
– Người bệnh suy tim cần hạn chế natri: Người lớn và trẻ em trên 14 tuổi nên ăn ít hơn 2.300 mg natri mỗi ngày. Trẻ em dưới 14 tuổi có thể cần ăn ít natri hơn mỗi ngày tùy theo giới tính và độ tuổi. Với người bệnh tăng huyết áp cần phải hạn chế natri ít hơn nữa. Đối với những bệnh nhân suy tim nặng có thể cần loại bỏ muối hoàn toàn. Việc hạn chế ăn muối hay giảm muối ở mức nào tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, mức độ bệnh. Do đó người bệnh cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
– Không nên uống nhiều nước: Người bệnh suy tim tránh uống quá nhiều nước vì làm tăng gánh nặng cho hệ tim mạch. Không nên uống quá 1,5 lít nước/ngày và tối đa 1 lít/ngày với bệnh nhân suy tim nặng. Lượng nước bao gồm nước uống, nước giải khát, trái cây, thức ăn… Người bệnh tim cần theo dõi cân nặng mỗi ngày để bù vừa đủ lượng nước, chẳng hạn khi cân nặng giảm 1kg có nghĩa mất đi 1 lít nước nên cần uống lượng nước tương ứng để bù vào.
– Người bệnh suy tim nên bỏ rượu: Mặc dù rượu vang đỏ có chất chống oxy hóa và được cho là có lợi cho tim mạch nhưng với người bệnh suy tim cũng chỉ nên tiêu thụ rượu vang đỏ ở mức thấp đến vừa phải. Cần hạn chế tối đa cà phê và các thức uống giải khác có chứa chất caffeine như nước tăng lực… Còn khi đã suy tim nặng thì nhất thiết phải bỏ rượu bia.
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, người bị bệnh tim mạch nên thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa và đề phòng các diễn biến xấu do thời tiết tác động.
Nên tránh ra ngoài trời vào thời gian nắng nóng nhất là từ 10-15 giờ, nếu có điều kiện ở nơi có điều hòa nhiệt độ càng tốt. Khi có việc bắt buộc phải ra ngoài, cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, đội mũ hoặc che chắn cẩn thận.
[vivafbcomment]