Lạm dụng đồ uống có đường không chỉ dẫn đến thừa cân, béo phì mà còn làm tăng nguy cơ tử vong sớm và mắc bệnh tim mạch ở những người bệnh đái tháo đường type 2. Nghiên cứu mới đây là cảnh báo đối với mọi người và bệnh nhân đái tháo đường cần kiểm soát tiêu thụ loại đồ uống này để bảo vệ sức khỏe.
Tóm tắt nội dung bài viết
1. Tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe
Mặc dù đường là nguồn năng lượng chính để duy trì hoạt động của cơ thể nhưng tiêu thụ quá nhiều đường trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh nguy hiểm như béo phì, bệnh tim và ung thư.
Ở nước ta, mức tiêu thụ đồ uống có đường đang gia tăng nhanh ở cả trẻ em và người lớn. Đây được coi là yếu tố quan trọng góp phần làm gia tăng tình trạng thừa cân, béo phì và một số bệnh không lây nhiễm.
Khi lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể gây ra bệnh đái tháo đường. Người mắc bệnh đái tháo đường không kiểm soát được đường máu cùng một số yếu tố nguy cơ khác sẽ gây biến chứng ở nhiều cơ quan trong cơ thể.
Đái tháo đường là căn bệnh thường gặp ở những người thừa cân, béo phì, người ít vận động thể lực hoặc do chế độ ăn nhiều chất béo, lượng glucid phức hợp giảm và đường ngọt tăng. Thừa cân, béo phì cũng sẽ gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Đồ uống có đường bao gồm: soda, nước ép trái cây có đường, nước ngọt có gas, nước tăng lực, trà sữa… Uống một lon nước ngọt 300-330ml đã cung cấp 30-40g đường. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi ngày chỉ nên ăn 25g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50g/ngày.
Như vậy, khi chúng ta uống một lon nước ngọt cộng với tiêu thụ lượng đường tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm như trái cây, sữa và nhiều sản phẩm chứa đường ẩn như các loại nước sốt, tương ớt, tương cà… thì mức độ đường chúng ta tiêu thụ gấp nhiều lần khuyến cáo. Đó là nguyên nhân gia tăng tỷ lệ người mắc bệnh béo phì và các bệnh nguy hiểm khác như tim mạch, ung thư và tăng nguy cơ đối với người bênh đái tháo đường.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm, Phó trưởng Phòng kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), WHO khuyến cáo cả người lớn và trẻ em nên giảm lượng đường tự do xuống dưới 10% tổng năng lượng tiêu thụ; giảm hơn nữa mức tiêu thụ các loại đường tự do xuống dưới 5% (25g) mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe.
2. Lạm dụng đồ uống có đường có thể khiến người bệnh đái tháo đường tử vong sớm hơn
Theo một nghiên cứu mới do các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (Hoa Kỳ) dẫn đầu, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có liên quan đến tăng nguy cơ tử vong sớm và tỷ lệ mắc bệnh tim mạch ở những người mắc đái tháo đường type 2. Trong khi uống đồ uống như cà phê, trà, sữa bò ít chất béo và nước lọc có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn.
Mặc dù nhiều nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ đồ uống và các kết quả sức khỏe như chuyển hóa tim mạch, thay đổi cân nặng và tỷ lệ tử vong, nhưng những nghiên cứu đó chủ yếu dành cho dân số nói chung. Nghiên cứu mới này đã xem xét cụ thể việc tiêu thụ các loại đồ uống khác nhau ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu sức khỏe trung bình trong 18,5 năm từ 9.252 phụ nữ và 3.519 nam giới. Tất cả đều đã được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2 ngay từ đầu hoặc tại một thời điểm nào đó trong quá trình điều trị, nghiên cứu. Cứ 2-4 năm một lần, những người tham gia báo cáo về tần suất họ tiêu thụ đồ uống có đường (bao gồm soda, nước ép trái cây và nước chanh), đồ uống có vị ngọt nhân tạo, nước ép trái cây, cà phê, trà, sữa bò ít béo, sữa bò nguyên kem, sữa và nước thường.
Các phát hiện cho thấy tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn trong số những người thường xuyên tiêu thụ đồ uống có đường. Ngược lại, tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch giảm ở những người thường xuyên uống đồ uống lành mạnh hơn như cà phê, trà, sữa bò ít béo và/hoặc nước lọc.
Thay thế một khẩu phần đồ uống có đường hàng ngày bằng một khẩu phần cà phê có liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân thấp hơn 18% và nguy cơ tử vong bệnh tim mạch thấp hơn 20%; trà với rủi ro thấp hơn 16% và 24%; nước thường với rủi ro thấp hơn 16% và 20%; sữa bò ít chất béo với nguy cơ thấp hơn 12% và 19%. Uống đồ uống có vị ngọt nhân tạo cũng liên quan đến kết quả lành mạnh hơn nhưng ít hơn.
Tác giả nghiên cứu chính là Phó giáo sư Qi Sun tại Khoa Dinh dưỡng và dịch tễ học cho biết: “Đồ uống là một thành phần quan trọng trong chế độ ăn uống của chúng ta. Những người mắc bệnh đái tháo đường có thể hưởng lợi từ việc uống đồ uống tốt cho sức khỏe, nhưng dữ liệu còn rất ít. Do đó những phát hiện này giúp cung cấp kiến thức cho mọi người và người bệnh đái tháo đường về chế độ ăn uống kiểm soát bệnh. Nên chuyển từ đồ uống có đường sang đồ uống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe”.
[vivafbcomment]