Trang chủ Sức khoẻ cho mọi người Tim mạch, huyết áp, đột quỵ và rối loạn chuyển hóa Vì sao người bệnh suy tim cần hạn chế ăn muối?

Vì sao người bệnh suy tim cần hạn chế ăn muối?

4
| (Bảo trợ thông tin bởi suckhoedoisong.vn)

Đối với bệnh nhân suy tim, việc duy trì một lối sống lành mạnh, đặc biệt là chế độ ăn uống rất quan trọng. Trong đó, hạn chế muối là một trong những biện pháp hàng đầu để tránh ảnh hưởng xấu đến tình trạng suy tim.

1. Những lưu ý đối với người bệnh suy tim

Suy tim là tình trạng suy giảm chức năng co bóp của cơ tim dẫn đến tim không đủ sức bơm máu theo nhu cầu của cơ thể.

Người mắc bệnh suy tim cần phải được theo dõi và dùng thuốc chặt chẽ. Bên cạnh đó cần thực hiện lối sống lành mạnh, tránh cảm xúc quá mức và tuân thủ chế độ dinh dưỡng để góp phần kiểm soát bệnh.

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, chuyên khoa Hồi sức tích cực, trên lâm sàng, suy tim được chia thành 4 mức độ:

  • Độ 1 là có suy tim nhưng chưa có biểu hiện khó thở.
  • Độ 2 là có khó thở khi gắng sức (như leo cầu thang, làm việc nặng…).
  • Độ 3 là khó thở thường xuyên cả lúc bình thường và khi gắng sức, gan to nhưng nhỏ lại khi được điều trị, bệnh nhân vẫn có thể đi lại nhẹ nhàng và tự phục vụ.
  • Độ 4 là mức độ nặng nhất, bệnh nhân liên tục khó thở, không tự phục vụ mình được, gan đã chuyển sang xơ cứng (xơ gan tim).

Khi có dấu hiệu suy tim, người bệnh cần đi khám tại cơ sở y tế chuyên sâu để làm các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân, tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị hợp lý. Bệnh nhân cần phải thường xuyên kiểm tra theo định kỳ để theo dõi đáp ứng điều trị và phòng ngừa biến chứng.

Đối với người bị suy tim, việc duy trì một lối sống lành mạnh, tránh gắng sức cũng như những xúc cảm quá mức là đặc biệt cần thiết. Bệnh nhân nên bỏ rượu, bỏ thuốc lá, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện nhẹ nhàng ở mức cho phép để giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, góp phần làm giảm hoặc chậm lại quá trình suy tim.

Ăn mặn làm tăng lượng muối vào cơ thể. Lượng muối tăng làm tăng thể tích tuần hoàn, gây phù và ứ dịch trong các khoang như ổ bụng, màng phổi. Vì vậy, bệnh nhân suy tim nên ăn nhạt, lượng muối ăn vào phải theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Theo ThS. BSCKII Lý Đức Ngọc, Phó trưởng khoa Nội Tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E: Bệnh nhân suy tim cần giảm ăn mặn. Ngoài ra, người bệnh không uống quá nhiều nước để giảm tải cho tim, tùy theo tình trạng bệnh để cân bằng lượng nước hằng ngày.

2. Thừa muối nguy hiểm thế nào đối với bệnh suy tim?

Muối và các thực phẩm chứa nhiều muối chính là kẻ thù của bệnh nhân suy tim. Vì ăn nhiều muối sẽ làm tăng giữ nước, ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.

Muối được tạo thành từ khoảng 40% natri và 60% clorua. Natri là một khoáng chất cần thiết cho chức năng cơ và thần kinh và giúp cơ thể duy trì sự cân bằng nước và khoáng chất thích hợp.

Thận là cơ quan thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh lượng natri và nước trong máu. Nếu ăn quá nhiều muối có thể làm rối loạn sự cân bằng này, khiến nồng độ natri trong máu tăng lên. Điều này khiến cơ thể giữ nhiều nước hơn và làm tăng cả chất lỏng bao quanh các tế bào và thể tích máu.

Khi tiêu thụ quá nhiều muối, nước sẽ được giữ lại trong lòng mạch, làm tăng thể tích máu lưu thông, tăng áp lực máu trong lòng mạch. Đây chính là yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch.

Ở những người bị suy tim, lượng muối dư thừa sẽ làm tăng giữ nước và phù, ảnh hưởng xấu đến bệnh. Ngoài các triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi… thì phù cũng là một triệu chứng phổ biến. Đó là do tình trạng ứ trệ tuần hoàn, giữ muối và nước trong cơ thể gây ra. Do đó việc thực hiện chế độ ăn nhạt, uống ít nước là rất quan trọng giúp giảm các triệu chứng phù và làm giảm gánh nặng cho tim.

Các bác sĩ khuyên bệnh nhân suy tim nên ăn nhạt, cần hạn chế lượng muối sử dụng trong chế độ ăn uống. Lượng muối trung bình mỗi ngày không nên quá 2g. Đối với những bệnh nhân suy tim nặng có thể cần loại bỏ muối hoàn toàn. Tuy nhiên cần lưu ý là việc hạn chế ăn muối hay giảm muối ở mức nào còn tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, mức độ bệnh, người bệnh cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

3. Thực phẩm nào tốt cho bệnh nhân suy tim?

Để đảm bảo sức khỏe và cải thiện các triệu chứng, người bệnh suy tim nên lựa chọn các thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe tim mạch như: thịt nạc, sữa ít béo, rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt…

Rau và trái cây tươi chứa nhiều vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe tim mạch, làm giảm hấp thu cholesterol, hạn chế hình thành mảng xơ vữa.

Hàm lượng chất xơ cao trong ngũ cốc nguyên hạt cũng giúp tiêu hóa tốt, kiểm soát lượng đường trong máu và điều hòa huyết áp.

Ngoài ra, khi điều trị suy tim, người bệnh thường sử dụng thuốc lợi tiểu nên sẽ làm giảm đáng kể lượng kali trong cơ thể. Kali lại là một khoáng chất quan trọng đối với huyết áp và sức khỏe tim mạch. Nó hoạt động như một chất giãn mạch, làm giảm căng thẳng trong thành mạch máu. Chế độ ăn giàu kali có tác dụng hạ huyết áp, làm giảm nguy cơ đau tim.

Vì vậy, người bệnh kali cần bổ sung các thực phẩm giàu kali như: thịt lợn nạc, khoai tây, khoai lang, đậu đỗ, cà chua, bắp cải, bông cải xanh, bơ, nho, chuối… Tuy nhiên, cần lưu ý nếu người bệnh suy tim có đồng thời nhiều bệnh lý như đái tháo đường cần chú ý tránh những thực phẩm làm tăng đường huyết.

[vivafbcomment]
Báo cáo bài viết
SHARE