Rối loạn mỡ máu có thể dẫn đến các bệnh tim mạch và đột quỵ. Những người bị rối loạn mỡ máu cần phải thay đổi lối sống, đặc biệt là chế độ ăn uống để ngăn ngừa bệnh tiến triển.
Tóm tắt nội dung bài viết
1. Chế độ ăn uống không hợp lý có thể gây rối loạn mỡ máu
Rối loạn mỡ máu là tình trạng rối loạn lipid máu, được đặc trưng bởi nồng độ lipid lưu thông bất thường, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và các biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng như đột quỵ.
Mỡ máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol. Mỡ máu tăng cao khi cholesterol xấu tăng và cholesterol tốt giảm. Một thành phần quan trọng khác của mỡ máu đó là triglycerid. Tăng chỉ số này thường kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu LDL và giảm cholesterol tốt HDL.
Nguyên nhân chính gây rối loạn mỡ máu thường do chế độ ăn uống không hợp lý cùng với lối sống không lành mạnh, ít vận động, hút thuốc lá, nghiện rượu, ăn nhiều chất béo, nội tạng động vật…
Ngoài ra, các yếu tố khác như: béo phì, đái tháo đường và hội chứng chuyển hóa, hội chứng thận hư, bệnh thận mạn tính, suy giáp, tiền sử gia đình… cũng làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu.
Lượng mỡ trong máu cao là nguyên nhân chủ yếu gây xơ vữa mạch máu và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Nếu động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi tim gây đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử.
2. Người bị rối loạn mỡ máu nên ăn gì, kiêng gì?
Theo ThS. BSNT Nguyễn Xuân Tuấn, Giảng viên Đại học Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội, rối loạn mỡ máu là tình trạng khá thường gặp, nhất là ở độ tuổi trung niên. Nếu để kéo dài có thể làm tăng rủi ro các vấn đề về tim mạch hay đột quỵ.
Trong chế độ ăn uống cho người rối loạn mỡ máu nên sử dụng các loại thực phẩm bao gồm: trái cây tươi, rau xanh, chất xơ, đậu, lạc, dầu thực vật, cá giàu omega-3… giúp kiểm soát mỡ máu.
Cần lưu ý hạn chế các loại thực phẩm như: đồ chiên rán, bơ, sữa nguyên kem, kem tươi, nước sốt chế biến sẵn, mỡ động vật, da gà, da vịt, nội tạng động vật (lòng lợn, bầu dục, gan, óc, tim), trứng, bánh nướng, bánh ngọt, sô cô la, mật ong, mứt, đường trắng, đồ uống có đường, rượu bia…
Ngoài ra nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, phải giảm cân nếu thừa cân. Cần điều trị tốt các bệnh khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy giáp…
3. Một số thực phẩm giúp kiểm soát rối loạn mỡ máu
3.1. Thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật
Cholesterol thường được tìm thấy trong thực phẩm có nguồn gốc động vật. Các sản phẩm từ sữa, thịt và trứng chứa cả chất béo bão hòa và cholesterol. Lượng chất béo bão hòa làm tăng nồng độ cholesterol LDL.
Trong khi đó, hầu hết các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật như rau, trái cây, ngũ cốc và các loại đậu đều rất ít chất béo bão hòa và không chứa cholesterol. Ngoài ra, chúng rất giàu chất xơ tốt cho tiêu hóa và cải thiện mức cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa rối loạn mỡ máu, có tác dụng loại bỏ một phần chất béo và cholesterol hấp thụ vào cơ thể.
Chất xơ hòa tan có trong các loại đậu, yến mạch, nhiều loại trái cây và rau quả giúp làm giảm cholesterol LDL, giảm viêm và hạ huyết áp.
Đặc biệt, sử dụng đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành trong chế độ ăn uống có thể giúp làm giảm lượng chất béo bão hòa và cholesterol. Isoflavone trong đậu nành cũng có tác dụng ức chế tổng hợp cholesterol và hàm lượng chất xơ trong thực phẩm đậu nành thúc đẩy bài tiết cholesterol.
3.2. Thịt trắng và cá
Người bị rối loạn mỡ máu nên ăn các loại thịt trắng như thịt gia cầm không da, ức gà và cá. Chúng là loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp. Nên chọn các loại cá giàu axit béo omega-3 như: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá cơm…
Hạn chế ăn các loại thịt đỏ chứa hàm lượng cholesterol cao như thịt bò, ngựa, trâu… và thịt mỡ.
3.3. Dầu thực vật
Một số nghiên cứu gợi ý thay thế chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa bằng chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa. Điều đó có thể làm giảm đáng kể cholesterol LDL.
Dầu ô liu là một lựa chọn tốt trong chế độ ăn uống thay thế cho chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
Theo nghiên cứu, axit béo chủ yếu trong dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là axit oleic, chiếm 73% tổng hàm lượng dầu.
Dầu ô liu cũng rất giàu chất chống oxy hóa có tác dụng chống viêm và giúp bảo vệ cholesterol trong máu khỏi quá trình oxy hóa. Ngoài ra có thể lựa chọn một số loại dầu thực vật khác như: dầu hạt cải, hạt nho, bơ…
Theo ThS. BS Nguyễn Xuân Tuấn, nếu người bệnh thay đổi lối sống, sinh hoạt và chế độ ăn uống từ 3-6 tháng mà không cải thiện mỡ máu thì có thể bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng thuốc hạ mỡ máu. Tuy nhiên việc điều trị sẽ lâu dài và nếu ngừng thuốc thì tình trạng mỡ máu có thể tăng trở lại. Ngoài ra, việc dùng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhất là cảm giác mệt mỏi. Do đó người bệnh cần kiên trì thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống phù hợp.
[vivafbcomment]