Mặc dù tiền đái tháo đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm phát triển bệnh bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Vậy bạn cần lưu ý tránh loại thực phẩm nào khi bị tiền đái tháo đường?
Tóm tắt nội dung bài viết
1. Thay đổi chế độ ăn uống để kiểm soát tiền đái tháo đường
Tiền đái tháo đường là một dạng rối loạn về chuyển hóa đường glucose khiến chỉ số đường huyết tăng cao, nhưng chưa đạt đến tiêu chí chẩn đoán xác định đái tháo đường.
Đây là tình trạng bệnh lý trung gian giữa bình thường và đái tháo đường type 2. Người mắc tiền đái tháo đường có nguy cơ cao tiến triển thành đái tháo đường type 2 nếu không có sự điều chỉnh hợp lý về lối sống và chế độ dinh dưỡng.
Việc được phát hiện và điều trị tích cực tiền đái tháo đường sẽ giúp giảm nguy cơ tiến triển thành đái tháo đường type 2 và ngăn ngừa các biến chứng tim mạch và biến chứng khác do tăng glucose máu.
Phương pháp điều trị tiền đái tháo đường hiệu quả chính là thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và duy trì cân nặng phù hợp. Nếu thừa cân, béo phì cần phải giảm cân vì bệnh nhân bị tiền đái tháo đường sẽ có nhiều khả năng thành bệnh đái tháo đường.
2. Nguyên tắc ăn uống đối với người bệnh tiền đái tháo đường
Theo ThS. BS Nguyễn Thu Yên, chuyên gia Nội tiết – Đái tháo đường, tiền đái tháo đường có thể được chữa khỏi hoặc làm chậm tiến triển thành đái tháo đường nếu người bệnh được phát hiện sớm và điều trị đúng, kết hợp với điều chỉnh lối sống và có chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Nguyên tắc ăn uống đối với các trường hợp tiền đái tháo đường cũng giống như người bị đái tháo đường. Người bệnh cần ăn uống đủ chất dinh dưỡng, cần kiểm soát lượng carbohydrate ăn vào, tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, chọn thực phẩm giàu chất xơ như các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và trái cây tươi để có thể giúp điều chỉnh và giữ cho lượng đường trong máu ổn định.
Bên cạnh việc lựa chọn các thực phẩm giúp ổn định đường trong máu, các bác sĩ cũng khuyên người bệnh hạn chế hoặc tránh thực phẩm chế biến có chứa nhiều carbohydrate, ngũ cốc tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, ngũ cốc có đường; bánh ngọt, bánh quy, mứt, kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây nhiều đường, trái cây ngọt nhiều, trái cây sấy khô như mít khô, vải khô, nhãn khô… vì khi ăn vào sẽ khiến lượng đường trong máu tăng nhanh.
3. Những thực phẩm nên tránh đối với người bệnh tiền đái tháo đường
3.1. Carbohydrate tinh chế
Carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, bánh ngọt và đồ ăn nhẹ được tiêu hóa nhanh chóng và có chỉ số đường huyết (GI) cao. Giá trị chỉ số GI của thực phẩm càng cao thì cơ thể càng phân hủy nhanh và làm tăng lượng đường trong máu một cách đột biến.
Đối với người bị rối loạn chuyển hóa đường glucose như tiền đái tháo đường hay đái tháo đường, đường huyết thường tăng cao sau khi ăn nhưng lại không chuyển hoá được để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế cũng thường bị loại bỏ chất xơ và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác và chúng có thể khiến bạn cảm thấy đói rất nhanh sau khi ăn.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, chế độ ăn nhiều carbohydrate tinh chế làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường loại 2, tăng huyết áp và bệnh tim.
Vì vậy, thay vì chọn carbohydrate tinh chế, hãy chọn carbohydrate phức tạp giàu chất xơ như trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt. Các nguồn thực phẩm toàn phần này chứa carbohydrate tốt giàu dinh dưỡng và chất xơ, giúp no lâu, không gây ra sự tăng đột biến và giúp duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định.
3.2. Đồ uống có đường
Đồ uống có đường, bao gồm nước ngọt, soda, nước ép trái cây, đồ uống thể thao, nước tăng lực, trà và cà phê có thêm đường, là nguồn cung cấp đường bổ sung không có lợi cho sức khỏe, đặc biệt với người bị tiền đái tháo đường và đái tháo đường.
Các nghiên cứu cho thấy đồ uống có đường có thể làm thay đổi quá trình chuyển hóa glucose, có thể dẫn đến kháng insulin và bệnh đái tháo đường loại 2, đồng thời dẫn đến tăng cân, béo phì, bệnh tim và đột quỵ.
Nên thay thế thực phẩm và đồ uống có đường bằng các thực phẩm nguyên chất, ít đường và lành mạnh như: rau, trái cây ít ngọt, nước lọc, trà không đường, sữa và các sản phẩm sữa như sữa chua không đường…
3.3. Chất béo bão hòa
Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa như thịt đỏ và thịt chế biến sẵn làm giảm độ nhạy insulin, điều này có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh đái tháo đường. Chất béo bão hòa cũng có thể làm tăng cholesterol và nguy cơ mắc bệnh tim.
Nghiên cứu cũng cho thấy, thay thế carbohydrate và chất béo bão hòa bằng chế độ ăn giàu chất béo không bão hòa, đặc biệt là chất béo không bão hòa đa, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu, cải thiện sức khỏe và chống lại bệnh tim.
Thực phẩm lành mạnh chứa chất béo không bão hòa bao gồm: cá béo, quả bơ, dầu ô liu, các loại hạt…
3.4. Thực phẩm chế biến sẵn
hực phẩm chế biến sẵn như các loại bánh, đồ ăn nhanh, pizza, xúc xích, thịt xông khói… chứa nhiều phụ gia, đường, muối, chứa chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Cả hai loại chất béo này đều gây hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch với những bệnh nhân đái tháo đường.
Chúng ta có thể hạn chế tối đa sử dụng thực phẩm chế biến sẵn bằng cách ưu tiên lựa chọn những thực phẩm có lợi cho sức khỏe, ít qua chế biến có nguồn gốc từ thực vật, các sản phẩm từ sữa ít béo, thịt gia cầm, cá…
[vivafbcomment]